TRÁCH NHIỆM VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐOÀN VIÊN, HỘI VIÊN KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI (CHỈ THỊ SỐ 07-CT/QU CỦA BAN THƯỜNG VỤ QUẬN ỦY NGÀY 11 THÁNG 11 NĂM 2019)
Chuyên mục: Thông tin tuyên truyền, Thông tin cần biết, Phổ biến, giáo dục pháp luật |
Người đăng:
Tăng Tự Do |
Ngày đăng: 14/06/2021 |
Số lần xem: 2025
Hiện nay, việc sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã trở nên rất phổ biến ở Việt Nam, gần như không còn phân biết thành thị hay nông thôn, cũng không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… Tính đến năm 2020, nước ta có hơn 61 triệu người sử dụng Faecbook cùng hàng chục triệu tài khoản YouTube, Instagram, Facebook Messenger, TikTok, Twitter, Skype, Viber, Wechat, Whatsapp... Tính đến tháng 11/2020, Zalo là nền tảng mạng xã hội trong nước lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng; xếp sau là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu), Lotus (2,5 triệu) và VCNet (gần 2 triệu).
Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc nâng cao kiến thức, tiếp cận các tri thức mới, chia sẻ, trao đổi tình cảm, phản ánh các vấn đề mình quan tâm, thể hiện quan điểm và năng lực cá nhân, phục vụ nhu cầu giải trí, kết nối với nhau, đồng thời tham gia giám sát xã hội tích cực. Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào việc phát huy quyền làm chủ của người dân, phát huy các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội về cơ bản đã góp phần đắc lực vào việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, qua đó phục vụ người dân tốt hơn. Chẳng hạn, nhiều cán bộ đã sử dụng Facebook, Zalo… để thông tin, tuyên truyền đến người dân, đồng thời lập các trang cộng đồng (fanpage) trên Facebook để nắm bắt tâm tư, ý kiến của người dân, hoặc sử dụng các nhóm trên Facebook Messenger, Zalo, Viber… để trao đổi công việc hàng ngày…
Tuy nhiên, mặt trái của internet và mạng xã hội cũng không ít. Kể cả với cán bộ, đảng viên, những người vốn có trình độ học vấn khá cao, được thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được làm việc trong môi trường có tính kỷ luật cao…, vẫn có thể sử dụng internet và mạng xã hội chưa phù hợp, chưa tích cực. Thậm chí, có trường hợp còn lợi dụng internet và mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, thể hiện thiếu tính đảng và tính kỷ luật. Có không ít cán bộ, đảng viên bị cho ra khỏi đội ngũ vì những vi phạm này, kể cả có những trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang… phải luôn có ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật, nội quy của cơ quan, quy tắc ứng xử của tổ chức, của ngành, giới mình khi sử dụng internet và mạng xã hội; mỗi người phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng tiếp nhận thông tin, phân tích, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng. Đồng thời, phải luôn gương mẫu trong việc sử dụng không gian mạng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, địa phương, đất nước và dân tộc. Nhất là với mạng xã hội, dù một số người cho là “để chơi”, cũng cần “chơi” sao có ích, có ý nghĩa thiết thực cho bản thân và xã hội, tránh gây bất lợi, thiệt hại cho bất kỳ chủ thể nào trong xã hội.
Trên thực tế, để sử dụng internet và mạng xã hội có ích hay ít nhất là không gây tác hại, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự có trách nhiệm. Đó là có ý thức và biện pháp bảo mật tài khoản mạng xã hội và thông tin cá nhân trên không gian mạng. Đôi khi, một số người còn xem nhẹ việc này, cho rằng tài khoản và thông tin của mình không có gì cần phải bảo mật nhưng trong nhiều trường hợp, chính sơ hở này đã bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi hoặc gây nguy hại cho các chủ thể khác. Chẳng hạn, kẻ xấu có thể đăng nhập vào tài khoản rồi nhân danh người chủ tài khoản thực sự thực hiện hành vi lừa đảo, bôi nhọ hoặc xúc phạm người khác, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước… Điều này rất dễ xảy ra, bởi kẻ xấu đó gần như không lo bị phát hiện do dùng tài khoản của người khác, nên “thoải mái” làm các việc sai trái.
Đó là phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên internet, mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng (như tin đồn, thông tin từ nguồn không có độ tin cậy cao, thông tin không rõ xuất xứ…). Hiện nay, thông tin trên không gian mạng là rất nhiều, có đủ “thượng vàng hạ cám”, đủ các việc đúng sai, thậm chí có những việc đúng sai lẫn lộn, có những thông tin “trôi nổi” và cũng có những thông tin được tán phát theo một ý đồ nào đó. Do đó, cán bộ, đảng viên phải “làm người thông minh” khi tiếp nhận thông tin với nhiều câu hỏi như: thông tin này đến từ đâu, ai có thể là người đã tán phát thông tin, thông tin này có dụng ý gì, thông tin đó có thể gây hại cho ai, ai có thể được hưởng lợi từ thông tin này… Khi trả lời được một cách rõ ràng các câu hỏi này thì hẳn người tiếp nhận sẽ có cách thức tiếp nhận và xử lý thông tin phù hợp hơn.
Tính trách nhiệm trong việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội không chỉ cho bản thân người dùng mà còn cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng và toàn xã hội. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tính trách nhiệm đó.
Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm mang lại ý nghĩa thiết thực cho nhiều chủ thể, đầu tiên là bản thân người dùng, sau đó là những người xung quanh, những người gần gũi với người sử dụng và nhiều người khác, cũng như với các tổ chức, ở tầm cao là với Đảng, với chế độ, với đất nước. Nếu xã hội có nhiều người sử dụng không gian mạng có trách nhiệm thì xã hội ít xảy ra các vấn đề vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc cộng đồng của các nền tảng mạng xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, tập quán của từng địa phương, từng dân tộc, từng quốc gia, có nghĩa là góp phần tạo nên môi trường mạng lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Bản thân cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu, dẫn dắt, động viên mọi người thực hiện điều này, bởi không gian mạng tuy được coi mà “môi trường ảo” nhưng những tác động (nhất là hậu quả) của nó thì lại rất thật và có thể liên quan đến nhiều người, nhiều chủ thể, trong một thời gian dài.
Ý NGHĨA CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐOÀN VIÊN, HỘI VIÊN KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI
Trước hết, đó là cách để thể hiện yếu tố văn hóa, văn minh và tinh thần thượng tôn pháp luật của một cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Tức là, tính trách nhiệm để bảo đảm rằng một cán bộ, đảng viên… thể hiện đúng vị trí, vai trò của mình, dù ở môi trường hay bối cảnh nào. Khi một người sử dụng không gian mạng, nhất là đăng tải một nội dung lên mạng xã hội, không bao giờ tách bạch các vị trí, vai trò của người đó; chẳng hạn, khi đưa một status tiêu cực lên mạng xã hội, một đảng viên không thể bao biện rằng mình đang đóng vai trò một quần chúng, trong khi không có quy định nào cho phép một đảng viên “tạm thời làm quần chúng” vì bất kỳ lý do gì, trừ khi bị một hình thức kỷ luật khiến người đó không còn là đảng viên nữa. Do đó, với status không hay đó, vai trò của một đảng viên có thể bị xem xét, xử lý.
Đây cũng là một tiêu chí để khẳng định cán bộ, đảng viên… đã thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân phù hợp với các tiêu chí và quy định của tổ chức mà mình là thành viên hay chưa. Điều này có nghĩa rằng, đảng viên ở chi bộ khu phố có thể không có những yêu cầu, đòi hỏi như đảng viên ở một cơ quan đảng cấp thành phố, nên việc sử dụng không gian mạng theo chuẩn mực của từng cơ quan cũng khác nhau. Tuy nhiên, dù thế nào, bản thân các đảng viên cũng phải thể hiện rõ mình là người sử dụng không gian mạng có trách nhiệm theo các quy chuẩn chung của cộng đồng, của xã hội. Đặc biệt đối với các vấn đề mang tính nền tảng tư tưởng, lý luận…, mỗi đảng viên phải tuân thủ các quy định, các nguyên tắc, yêu cầu về tính đảng. Đồng thời đó là trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Qua đó, mỗi người tự đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các tiêu cực khác.
Sử dụng không gian mạng có trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên còn là góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Bởi hiện nay, một số phần tử xấu sử dụng không gian mạng để chống phá Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu nhiều người sử dụng không gian mạng không tin theo, không phát tán, không tùy tiện chia sẻ và thực hiện việc đấu tranh phản bác trong điều kiện của mình thì các thông tin xấu độc không còn môi trường để tồn tại, âm mưu của các phần tử đó sẽ bị phá sản. Mặt khác, khi mỗi cán bộ, đảng viên chủ động làm lan tỏa các thông tin tích cực, các tấm gương sáng, các câu chuyện đẹp… thì sẽ góp phần định hướng nhận thức và tư tưởng người đọc, tác động đến tình cảm và hành động của nhiều người khác, đồng thời làm loãng các thông tin tiêu cực đi, qua đó giúp môi trường mạng trong lành hơn, tích cực hơn.
Bên cạnh đó, sử dụng mạng có trách nhiệm còn là cơ sở để các cơ quan, tổ chức đảng giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử, của cán bộ, đảng viên không chỉ thể hiện qua việc tham gia mạng xã hội mà còn trong sinh hoạt, nhận thức, lối sống… Bởi một status dù ngắn, một bức ảnh dù nhỏ, một thông tin dù sơ sài… cũng ít nhiều bộc lộ tâm tư, tình cảm, trạng thái nhận thức của người đó. Thí dụ, một cán bộ tiếp dân đưa một status mang ý giễu cợt sự ngô nghê, quê mùa của một công dân đến liên hệ giải quyết yêu cầu hành chính thì ít nhiều đã bộc lộ thái độ chưa đúng mực của mình trong việc lắng nghe, chia sẻ, giải thích cho người dân; từ đó, tổ chức đảng cần phải có biện pháp giáo dục, uốn nắn về quan điểm, nhận thức, tư tưởng của cán bộ này.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có thể thực hiện sát đúng hơn công tác đánh giá thi đua, phân tích chất lượng đảng viên, biểu dương, kỷ luật và thực hiện công tác cán bộ một cách phù hợp. Bản thân người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng cần phải tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng không gian mạng của cán bộ, đảng viên trong phạm vi quản lý của mình, không nên xem đó là việc cá nhân, không liên quan đến tổ chức đảng hoặc cơ quan. Đồng thời, qua việc sử dụng không gian mạng, nhất là mạng xã hội, quần chúng, nhân dân có thể thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Dĩ nhiên, biểu hiện qua việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội chỉ là một phần nhỏ trong đánh giá tổng thể một cá nhân, một đảng viên, một công chức, viên chức. Do đó, không thể lấy điều này làm căn cứ đánh giá một cách nặng nề mang tính quy chụp đối với các cá nhân, trừ trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật của Đảng. Chẳng hạn, một đảng viên đưa lên mạng xã hội hình ảnh bản thân không đeo khẩu trang khi đi ngoài đường trong bối dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì cần nhắc nhở (để thay ảnh khác hoặc gỡ ảnh đó) hơn là quy kết nặng nề về tư cách, nhận thức của người đó. Suy cho cùng, việc khích lệ, tác động để mọi người sử dụng không gian mạng có trách nhiệm và áp dụng các quy định, quy trình để xử lý vấn đề này cũng nên trên tinh thần có lý có tình và nhất là “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như lời dạy của Bác Hồ.
Tóm lại, sử dụng không gian mạng có nhiều ý nghĩa thực tiễn cho cá nhân, tổ chức, xã hội, đất nước, dân tộc… Do đó, cán bộ, đảng viên phải quan tâm thực hiện điều này không chỉ giúp việc sử dụng có ích hơn, hiệu quả hơn cho bản thân mà còn lan tỏa điều đó đến với nhiều người khác, đem lại nhiều điều thiết thực cho cơ quan, địa phương, đơn vị, cho xã hội, cho đất nước.
NGUỒN : https://www.hcmcpv.org.vn/