25 Tháng Tư 2024
Giới thiệu về phường 7 quận 10

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1.Vị trí địa lý:

Phường 7 có địa giới hành chính nằm ở phía Tây Nam của Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Phường có hình dạng là hình thang, được giới hạn bởi 4 tuyến đường chính là Lý Thường Kiệt, Ba Tháng Hai, Nguyễn Kim, Nguyễn Chí Thanh. Phường  có vị trí tiếp giáp với các phường như: phía Đông giáp với Phường 6 Quận 10; phía Bắc giáp với Phường 14, Quận 10; phía Tây giáp với Phường 7, Quận 11; phía Nam giáp với Phường 12, Quận 5.

Phường 7 chính thức được thành lập theo Quyết định số 33/QĐ-HĐBT, ngày 14 tháng 02 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc điều chỉnh lại địa giới hành chính và tổ chức lại các phường thuộc Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quyết định, Quận 10 có sự phân chia lại đơn vị hành chính cấp phường, các phường trước kia được sáp nhập lại còn 15 phường, theo thứ tự từ 1 đến 15. Phường 7 được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích của Phường 19 trước đó với tổng diện tích tự nhiên là 10,53 ha (chiếm 1,84% diện tích toàn quận). Khi mới thành lập, Phường 7 có 3 khu phố và 39 tổ dân phố. Từ năm 1996 do di dời giải tỏa 9 lô chung cư nên có sự thay đổi các tổ dân phố, từ 39 Tổ dân phố còn 26 Tổ dân phố.

Khu phố 1: được giới hạn bởi các tuyến đường Nguyễn Kim, 3 Tháng 2, Vĩnh Viễn, Lý Thường Kiệt. Khu phố 1 với 405 hộ, có 1.725 nhân khẩu được chia làm 8 Tổ dân phố theo thứ tự từ Tổ 1 đến Tổ 8. Người dân trên địa bàn phường chủ yếu là kinh doanh điện máy, điện tử và các nguyên phụ liệu cho ngành điện tử.

Khu phố 2: được giới hạn bởi các tuyến đường Vĩnh Viễn, Lý Thường Kiệt, Tân Phước, Nguyễn Kim và 1 phần đường Nhật Tảo. Khu phố 2 với số dân là 493 hộ, 1.882 nhân khẩu. Khu phố 2 có 09 Tổ dân phố, gồm tổ 17, 21, 22, 23, 30, 31A, 30B, 30C đây là khu dân cư có cao ốc A-B, lô R, Trung tâm kinh doanh Điện máy - Điện tử Nhật Tảo, với trên 400 quầy hàng và 01 trường Tiểu học Trần Văn Kiểu.

Khu phố 3: được giới hạn bởi 4 tuyến đường chính là Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Kim, Tân Phước. Khu phố 3, có 593 hộ, 4.976 nhân khẩu được chia thành 09 Tổ dân phố theo thứ tự từ Tổ 31 đến Tổ 39, với 2 cụm dân cư, gồm cụm 1 cư xá Lý Thường Kiệt có 07 Tổ dân phố, cụm 2 là ô tứ giác nhà phố có 02 Tổ dân phố,  Ký túc xá Đại học Bách Khoa và 1 siêu thị Co.opmart. Do phần đông Nhân dân lao động sống ở các cư xá cao tầng không có mặt bằng sản xuất kinh doanh nên đời sống người dân khó khăn, một bộ phận người dân đã ngăn phòng cho thuê nên tập trung người dân đến sinh sống ngày một đông hơn.

2. Về giao thông:

Hệ thống giao thông của phường được hình thành rất sớm, các tuyến đường lớn như Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt, 3 Tháng 2, Nguyễn Kim là những tuyến đường huyết mạch của thành phố nối liền giữa các quận và thuận tiện xuống các tỉnh miền Tây. Sau giải phóng, được sự quan tâm của thành phố và quận, giao thông khu vực ngày càng được mở rộng và đầu tư nâng cấp, nhất là các tuyến hẻm được mở rộng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại; kết cấu hạ tầng của phường ngày một hoàn chỉnh và khang trang. Bên cạnh các tuyến đường lớn của thành phố kể trên, phường có hệ thống các tuyến đường xen kẽ như Nhật Tảo, Đào Duy Từ, Hòa Hảo, Tân Phước, Vĩnh Viễn. Ngoài ra, phường còn có khoảng 28 hẻm lớn nhỏ nối liền và thông nhau.  

Đường Nguyễn Chí Thanh nằm trên địa bàn Phường 7 có chiều dài khoảng 139m. Trước giải phóng đường có tên gọi lần lượt là Armand - Roussoau (thời kỳ chống thực dân Pháp), Trần Hoàng Quân (thời kỳ chống đế quốc Mỹ). Sau giải phóng đến nay được mang tên là đường Nguyễn Chí Thanh.
Đường Lý Thường Kiệt nằm trên địa bàn Phường 7 có chiều dài khoảng 621m. Trước giải phóng đường được gọi những tên khác nhau như: Mari - Senooc, Nguyễn Văn Thoại. Sau giải phóng được đổi thành đường Lý Thường Kiệt.

Đường 3 Tháng 2 nằm trên địa bàn Phường 7 có chiều dài khoảng 197m. Trước giải phóng đường với tên gọi Ba Vì, Trần Quốc Toản. Sau giải phóng được đổi thành đường 3 Tháng 2 cho đến nay.

Đường Nguyễn Kim thuộc Phường 7 có chiều dài khoảng 678m. Trước giải phóng với tên gọi Emile Béliard. Sau giải phóng được đổi thành đường Nguyễn Kim.

Ngoài các đường chính, Phường 7 còn có các tuyến đường Đào Duy Từ, có chiều dài khoảng 146m; đường Nhật Tảo, có chiều dài khoảng 178m; đường Tân Phước có chiều dài khoảng 162m; đường Vĩnh Viễn có chiều dài khoảng 169m và đường Hòa Hảo có chiều dài khoảng 153m.

3. Khí hậu:

Phường nằm chung trong khu vực của miền Đông Nam Bộ nên mang khí hậu đặc trưng vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo có tính chất nóng, ẩm, nhiệt độ tương đối cao và quanh năm không bị ảnh hưởng của bão, lũ. Thời tiết được chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.100mm, nhưng tập trung từ tháng 6 đến tháng 11, chiếm 90% tổng lượng mưa cả năm. Nhiệt độ trung bình 27oC, nhiệt độ thấp nhất là 25,7oC, nhiệt độ cao nhất là 39oC.

II. ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI

1. Dân cư:

Trong những năm 1930, khu vực này thuộc vùng ven, là một vùng đất hoang sơ. Thực dân Pháp cho xây dựng một khu vực để chôn cất người giàu và có thế lực đó là “Khu đất thánh”. Quanh khu vực “Khu đất thánh” còn có những ngôi nhà nhỏ bé của của người dân nghèo làm nghề thủ công như thợ guốc, thợ may, thợ sơn, phu xích lô, xe kéo…, họ đi làm thuê ở ngã Bảy, chợ Thiếc, một số người đi làm thuê trong nhà máy của thực dân Pháp như nhà máy bia, nhà máy thuốc lá, nhà máy xay đá…

Tại khu vực Armand - Roussoau (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), đường   Mari-Senooc (nay là đường Lý Thường Kiệt) có một xóm nhà lá nghèo nàn, lụp xụp nằm đối diện với khu Sở rác Chợ Lớn, đây là khu vực của bà con công nhân Sở rác. Họ sống cuộc sống vô cùng vất vả, từ lúc nửa đêm họ đã đến các khu phố trù phú để dọn sạch đường, mang những thùng rác về bãi rác nơi họ sinh sống, lương thì tính theo công nhật chưa đầy 2 cắc (2 hào).

Năm 1942, thực dân Pháp bắt đầu giải tỏa những xóm lao động ở trung tâm thành phố, trong đó có khu vực đường Emile Béliard (đường Nguyễn Kim ngày nay) và sang đất chia lô. Bà con lao động vì “Thấp cổ bé họng” ở nội thành đã về đây sinh sống. Từ đây, một số ít các hộ mọc lên ở góc đường Ba Vì (hiện nay là đường 3 Tháng 2) và đường Emile Béliard. Khi trại lính Kị Mã được xây dựng bên kia đường Ba Vì thì vợ con của binh lính cũng đến ở hai bên đường Emile Béliard, một vài hàng quán mọc lên đã hình thành thêm một xóm nhỏ nữa ở khu vực này.

Tháng 9 năm 1945, Pháp đã núp dưới bóng quân đội Anh trở lại xâm lược nước ta. Tại khu vực này, một số người dân đã thoát ly gia đình đi kháng chiến, đại đa số đồng bào phải tản cư về ngoại ô. Mảnh đất này trở nên hoang vắng. Khi Pháp tăng cường đánh phá ngoại thành và các tỉnh lân cận thành phố, đồng bào đã hồi cư về sửa sang lại các ngôi nhà của mình, một số bà con nông dân ngoại thành đã kéo về sinh sống để tránh sự khủng bố của giặc. Người dân ngày một đông, những mồ mả dần được dọn đi nơi khác. Sau vụ đốt nhà do “Mụ Giỏi” (vợ của tướng bù nhìn Nguyễn Văn Tâm) tổ chức ở một số khu Chợ Lớn, bà con nghèo ở các nơi khác bị cháy nhà đã kéo về đây nương náu, sinh sống. Đến cuối năm 1952, khu vực này đã trở thành một khu lao động với gần 500 nóc nhà. Quần chúng lao động ở đây đã tạo thành một căn cứ lõm cho cách mạng hoạt động trong lòng địch.

Sau chiến dịch tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (năm 1968), Mỹ ngụy đã dã man dùng bom xăng đốt hết khu nhà lá lẫn đồng bào nơi đây, khiến nơi này lâm vào cảnh “Màn trời chiếu đất”, một số bà con phải lưu lạc đến nơi khác, một số người dân kiên trì bám trụ. Sau đó, đế quốc Mỹ lại ra sức mua chuộc và mị dân, bằng cách xây dựng các chung cư, bán trả góp cho dân và các binh sĩ, công chức. Tại khu vực này đã được chia lô và các tòa nhà chung cư nhiều tầng hình thành. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 cho tới nay, Phường 7 có 09 lô chung cư và 01 cư xá Lý Thường Kiệt, là nơi thu hút Nhân dân lao động về tập trung sinh sống ngày một đông.

Năm 1979, Phường 7 có tổng số dân là 11.469 nhân khẩu, trong đó khoảng 25% bà con là người gốc Hoa. Dân số của phường ngày càng tăng. Năm 2000, phường có tổng số dân là 11.300 nhân khẩu. Đến năm 2015, dân số toàn phường là 7.495 nhân khẩu. Dân cư trên địa bàn phường chủ yếu là người lao động, buôn bán, một số là cán bộ công chức sinh sống tập trung ở 3 khu phố với 26 tổ dân phố.

2. Dân tộc, tôn giáo:

Trên địa bàn phường có 03 dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh chiếm 83,86% tổng số dân, dân tộc Hoa chiếm khoảng 16,13% và một số ít các hộ dân tộc Chăm chiếm khoảng 0,01%.

Phường có 02 ngôi chùa đó là chùa Linh Quang và chùa Phật Quang. Chùa Linh Quang tọa lạc tại địa chỉ 243/7 đường Nguyễn Kim, Thuộc Khu phố 1. Chùa do các phật tử địa phương thành lập năm 1967 theo hệ phái Bắc Tông và được trùng tu một lần vào năm 1990. Chùa Phật Quang tọa lạc tại địa chỉ 217 - 219 đường Đào Duy Từ, thuộc Khu phố 3. Chùa do Hòa thượng Thích Huyền Dung sáng lập năm 1950, theo hệ phái Bắc Tông và được trùng tu vào năm 1972 và năm 1992. Ngoài ra, trên địa bàn Phường 7 còn có 02 đền thờ dòng tộc trong cư xá Lý Thường Kiệt đó là đền thờ Họ La và Họ Lư do người Hoa lập lên.

Nhìn chung, đại đa số người dân theo các tôn giáo khác nhau trên địa bàn đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng nhau đóng góp, xây dựng quê hương theo phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”.

3. Văn hóa, giáo dục, y tế:

Nằm trong khu vực Quận 10 có bề dày lịch sử, cùng với quá trình phát triển lâu dài của thành phố. Đặc biệt, nơi đây còn là nơi có đông người Hoa sinh sống nên phường có những đặc trưng của hai nền văn hóa Hoa - Việt được thể hiện qua các phong tục tập quán, tín ngưỡng. Đa số người dân trên địa bàn phường theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người Việt cũng như người Hoa đều lập bàn thờ tổ tiên, trên đó thường đặt di ảnh hoặc bài vị những người đã khuất. Người Hoa còn có tục thờ thần tài và thổ địa. Ngày nay, đa số người Việt cũng thờ thần tài và thổ địa trong nhà.
Về giáo dục, trước giải phóng, trên địa bàn phường không có cơ sở giáo dục, các em trong các độ tuổi đều phải đi học tại các phường lân cận trong quận. Năm 2012 được sự quan tâm của thành phố và quận, phường đầu tư xây dựng và khánh thành đưa vào sử dung trường Tiểu học Trần Văn Kiểu.

Trên lĩnh vực văn hóa, mặc dù phường không có Nhà văn hóa nhưng các phong trào văn hóa của phường đều hoạt động rất tích cực. Ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, phong trào xóa mù chữ đã được triển khai bằng việc mượn trụ sở của nhà dân làm điểm dạy học. Từ ngày thành lập Phường 19 sau đó đổi tên thành Phường 7, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể luôn thực hiện tốt các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, Gia đình văn hóa, Khu phố văn hóa… đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong Nhân dân.

Chuyên mục

Tranh cổ động