28 Tháng Ba 2024
Phổ biến giáo dục pháp luật

Phương Thức, Thủ Đoạn Hoạt Động Của Các Băng, Nhóm Tội Phạm Cho Vay Nặng Lãi Trên Địa Bàn Quận

Chuyên mục: Phổ biến, giáo dục pháp luật | Người đăng: SuperUser Account | Ngày đăng: 01/08/2019 | Số lần xem: 624

Thời gian qua, tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các đối tượng tổ chức cho vay nặng lãi là các băng nhóm ở tỉnh ngoài đến, hoạt động xảo quyệt và manh động, có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng như: thành lập các công ty tài chính, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực mua bán ô tô, xe máy, cho thuê xe, thiết bị văn phòng, dịch vụ cầm đồ. Một số vụ việc cụ thể:

1. Khoảng tháng 5/2017, Lê Bá Quân (26 tuổi, quê Hà Nội) cho cho anh S (ngụ TPHCM) vay mượn 120.000.000đ, hai bên thỏa thuận trả góp cả vốn và lãi trong vòng 4 tháng. Tuy nhiên anh S, chỉ mới trả được 57.000.000đ thì mất khả năng chi trả nên bỏ trốn. Không tìm được anh S, Quân quay sang người em cùng mẹ khác cha của anh S là chị Đ, buộc phải trả khoản nợ thay. Chị Đ, không đồng ý thì Quân dọa giết, tạt mắm tôm vào nhà để khủng bố tinh thần. Trước sự uy hiếp, đe dọa của Quân, chị Đ đề nghị trả giúp cho anh S 30.000.000đ, phần còn lại sẽ trả dần. Trưa 28/11, khi Quân xuất hiện tại quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) để nhận tiền thì bị lực lượng Công an bắt giữ về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

2. Vào tháng 11/2017, do làm ăn thua lỗ chị P vào trang mạng có tên “tài chính cho vay” để liên hệ mượn tiền. Ngay lập tức, chị được tên L tư vấn gặp Tuấn cho vay 500.000.000đ. Khoản vay này sẽ được thanh toán theo hình thức “trả góp”, chị P phải chịu “phí dịch vụ” 20% và trả trước 02 ngày tiền, lãi suất là 60%/tháng. Để hợp thức hoá phi vụ cho vay nặng lãi thành “giao dịch dân sự”, chủ nợ “hướng dẫn” cho chị làm hợp đồng mua xe trả góp, hợp đồng này do bọn chúng cất giữ. Sau một thời gian dài đóng tiền lời, Long hưởng lợi từ con nợ trên 3.000.000.000đ. Khi đóng gần hết số tiền, còn khoảng 100.000.000đ, y không cho chị P trả hết số tiền đã vay mà ép buộc chị phải trả lãi hàng ngày với số tiền 3.000.000đ/ngày. Đến khi con nợ rơi vào sức cùng lực kiệt, Long cho đàn em tên Trường tiếp tục giới thiệu cho chị P vay 500.000.000đ của một đối tượng khác tên Phạm Văn Khu. Mỗi khi không có tiền trả kịp hạn, các đối tượng này cho đàn em kéo đến xưởng sản xuất của chị P đe doạ, truy bức, khủng bố tinh thần. Chúng liên tục hăm dọa cắt cổ nạn nhân và giết hết cả nhà chị nếu như không chịu trả tiền đúng hẹn. Manh động hơn, các đối tương này còn mang mã tấu và kim tiêm (có bơm sẵn máu) đến nhà đòi giết chồng chị P. Tính từ thời điểm vay tiền của Tuấn cho đến tháng 7/2018, số tiền mà chị trả góp đã vượt trên 5 tỷ đồng nhưng vẫn chưa hết nợ. Trong lúc bí đường, chị P tiếp tục được L “ban ơn” giới thiệu cho một “ông chủ” khác tên Nguyễn Huy Long. Đối tượng này tiếp tục “quăng” 500.000.000đ cho chị P vay “nóng”. Đến đầu tháng 7/2018, Long “râu” tiếp tục thực hiện hoạt động phạm tội đã lấy lãi hơn 3.000.000.000đ, nhưng đến khi nạn nhân trình báo cơ quan công an, số nợ của hắn vẫn còn 100.000.000đ. Chiều 17/7/2018, Công an Quận Tân Phú bắt giữ toàn bộ đối tượng có liên quan đến “liên minh ma quỷ” cho vay nặng lãi có quy mô khủng nêu trên.

3. Do cần tiền gấp để trang trải một khoản làm ăn bị thua lỗ, anh Tấn Đạt (quận Tân Bình, TP.HCM) đã liên hệ với một số điện thoại cho vay tín dụng dán trên cột điện trước cổng cơ quan. Chỉ khoảng một tiếng sau, một nhân viên tự xưng tên Tùng hẹn gặp tại nhà riêng để “hỗ trợ tài chính cho khách hàng”. Cuộc trao đổi giữa anh Đạt và nhân viên Tùng, đại diện người cho vay, diễn ra chớp nhoáng chỉ trong khoảng năm phút với những câu hỏi rất đơn giản. Chẳng hạn hiện nay anh Đạt đang làm việc gì? Cơ quan ở đâu? Nhà đang ở là thuê hay chính chủ?... Sau đó không cần biết thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng anh Đạt là bao nhiêu, nhân viên tên Tùng vẫn vui vẻ cho anh Đạt vay 75.000.000đ với lãi suất 5.500đ/triệu/ngày, cứ 10 ngày thì tính lãi một lần. Anh Đạt thấy được vay với thủ tục cực kỳ nhanh gọn và dễ dàng nên gật đầu đồng ý ngay. Nhưng chỉ sau 05 tháng, vợ chồng anh tá hỏa khi phải trả tiền lãi lên đến gần 62 triệu đồng trên số nợ gốc chỉ 75 triệu đồng. Lý do là cứ 10 ngày phải trả hơn 4.100.000đ tiền lãi và một tháng chỉ riêng tiền lãi đã lên hơn 12.000.000đ, chiếm tới 75% tổng thu nhập của cả hai vợ chồng. “Quá khiếp sợ với lãi suất khủng khiếp lên đến 204%/năm, vợ chồng anh Đạt không thể tiếp tục gánh thêm lãi vay nóng khoản nợ này nữa nên đành phải cầu cứu sự giúp đỡ của cả gia đình hai bên nội, ngoại” góp tiền trả nợ vay.

* Nguyên nhân: ngày càng có nhiều người dân, công nhân, người lao động trên địa bàn vướng vào tín dụng đen. Sở dĩ, họ vướng vào các đối tượng cho vay nặng lãi vì thiếu hiểu biết về kiến thức tài chính, pháp luật và chưa lường hết mức độ nguy hiểm của các tổ chức tín dụng đen, việc chứng minh người cho vay có tính chất chuyên bóc lột với lãi suất cao là rất khó, vì các bên thường không ghi lãi suất cao vào hợp đồng vay mà tự thỏa thuận với nhau. Người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống, trong khi người bị hại đang cần tiền gấp để giải quyết việc cá nhân, nên cung - cầu gặp nhau.

* Phương thức của các băng, nhóm cho vay nặng lãi: là phát tờ rơi, quảng cáo dán trên tường, trụ điện ở nơi công cộng và các khu dân cư với nội dung: cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp, chỉ cần gọi điện thoại là có tiền. Người đi vay chỉ cần photocopy giấy chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện hoặc giấy tờ tùy thân khác, thậm chí chỉ cần cung cấp thông tin chủ sim điện thoại là có thể vay tiền.

* Thủ đoạn của các băng, nhóm cho vay nặng lãi: là đưa ra lãi suất không quá mức quy định của Bộ Luật dân sự và Hình sự, Hợp đồng vay có chữ ký của người vay tiền nhưng nhóm cho vay giữ hợp đồng chứ không đưa cho người vay. Sau khi cho vay tiền xong, chúng cử nhân viên (Các đối tượng cho vay không trực tiếp giao dịch mà thông qua “đàn em”, phần lớn những đối tượng có tiền án, tiền sự, không có việc làm để cho vay và đòi nợ) đến thu tiền lãi đúng hạn, nhưng khi người vay có tiền đi trả vốn thì bị nhân viên này tìm mọi cách không cho gặp chủ nợ để trả vốn, kéo dài thời gian trả lãi. Ngoài ra, một số người dân cần tiền kinh doanh hoặc đáo hạn ngân hàng cũng được cho vay nóng hoặc trả góp theo ngày với lãi suất từ 15 - 60%/tháng.

* Hậu quả đối với người đi vay: Nếu không trả đủ lãi thì sẽ cộng dồn vào tiền gốc, cứ như vậy số tiền nợ ngày càng nhiều lên. Đến khi người vay không còn khả năng chi trả, thì các đối tượng này thường xuyên gọi điện thoại quấy nhiễu, đe dọa hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, tạt nước sơn, chất bẩn vào nhà,... thậm chí đe dọa người thân của người vay nhằm tạo sức ép phải bán nhà cửa, tài sản, tổ chức bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản nhằm ép buộc người vay trả nợ.

Ban chỉ đạo PCTP, TNXH & XDPTTDBVANTQ quận tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, băng, nhóm tội phạm cho vay nặng lãi đến toàn thể nhân dân biết, đề phòng và tích cực tố giác các loại tội phạm góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung./.

BAN CHỈ ĐẠO PCTP, TNXH & XDPTTDBVANTQ QUẬN 10

In Đánh dấu và chia sẻ

Chuyên mục

Tranh cổ động