NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM VÀ NÊN TRÁNH CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐOÀN VIÊN, HỘI VIÊN KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

Chuyên mục: Thông tin tuyên truyền, Thông tin cần biết, Phổ biến, giáo dục pháp luật | Người đăng: Tăng Tự Do | Ngày đăng: 14/06/2021 | Số lần xem: 4893

Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm là một đòi hỏi quan trọng và có tính bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang… Nhưng “có trách nhiệm” vẫn là một yêu cầu còn chưa cụ thể, vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị có thể đề ra một bộ quy chuẩn để cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị của mình lấy làm căn cứ để thực hiện, đồng thời là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên. Dưới đây là một số gợi ý về những điều nên làm và nên tránh.

 

Thứ nhất, có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh… khi tiếp nhận thông tin. Không phải thông tin nào được lan truyền, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác, đúng đắn. Do đó, cần thiết phải tìm cách khẳng định tính xác thực của thông tin chứ không dễ dàng tin theo và làm lan tỏa thông tin đó khi chưa biết rõ mức độ tin cậy của thông tin. Tuyệt đối không nên xác tín theo cách “thông tin do mạng A nói”, “do ông X trên mạng B nói”… mà phải căn cứ trên những nguồn thông tin chính thức, chính thống. Nói cách khác, hơn người khác, cán bộ, đảng viên phải có “bộ lọc” khi tiếp cận thông tin chứ không phải tiếp thu một cách tùy tiện, thiếu trách nhiệm.

Thứ hai, sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng internet cá nhân của mình để chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho người khác, cho xã hội và đất nước. Mỗi người có thể đăng trên các trang diễn đàn (trên các nền tảng mạng internet hoặc mạng xã hội), trang cộng đồng (fanpage), nhóm (group)… những thông tin mà mình có căn cứ xác thực cho là đúng đắn, chính xác để có độ lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn.

Thứ ba, đăng tải các bình luận, ý kiến nhận xét có văn hóa, có trách nhiệm và có tính xây dựng về những vấn đề mà bản thân cho rằng nên có ý kiến hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm. Nhất là với các vụ việc đang “nóng”, cần tránh tạo tâm lý kích động hoặc dẫn dắt dư luận một cách sai lệch; khi cần có ý kiến thì phải hợp lý, thể hiện bằng văn phong đúng mực, tránh để bị quy chụp, xuyên tạc về thái độ, tư cách của người cán bộ, đảng viên nói chung.

Thứ tư, tuyên truyền, động viên để nhiều người khác, nhất là với người thân, những người xung quanh mình, hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội. Với các cơ quan có quy chuẩn thì nên khuyến khích mọi người thực hiện theo quy chuẩn đó; hoặc gợi ý mọi người những cách thức sử dụng đúng pháp luật, văn minh, tiến bộ, hợp lý bằng các hình thức dễ hiểu, dễ thực hiện.

Thứ năm, trên trang mạng internet và mạng xã hội của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân, các vấn đề đang có ý kiến khác nhau… Chẳng hạn, động viên nhau nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, hay nhắc nhở mọi người không xả rác bừa bãi giúp giữ gìn mỹ quan đô thị và giảm ngập nước…, hoặc lưu ý người khác không tin theo các ý kiến của những người theo phong trào “anti-vaccine” (tẩy chay vaccine), vốn có thể gây nhiều hệ lụy phức tạp…

Thứ sáu, tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị, về TPHCM và đất nước…; làm lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… trên trang cá nhân hoặc các trang cộng đồng. Thay vì chia sẻ các thông tin vô thưởng vô phạt, chúng ta có thể góp phần lan tỏa những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, câu chuyện hay…, không chỉ giúp người khác thưởng lãm mà còn có thể tác động đến suy nghĩ, tình cảm, hành động, từ đó có thêm những hành động tích cực khác.

Thứ bảy, chủ động phản ánh với các cơ quan có chức năng hoặc với cấp ủy khi phát hiện, đồng thời tích cực đấu tranh phản bác những trang, những thông tin sai trái, xuyên tạc, tiêu cực… Hình thức dễ thực hiện và có ý nghĩa thiết thực là nên trao đổi, chia sẻ về các thông tin sai trái, xấu độc trong các cuộc sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là sinh hoạt chi bộ. Việc phản ánh đó có thể giúp đồng nghiệp, đồng chí có được thông tin cần thiết từ đó cảnh giác hơn và có biện pháp ứng phó chủ động hơn, đồng thời có thể tạo điều kiện cho cấp ủy hoặc người am hiểu vấn đề giải đáp, định hướng nhằm giúp bản thân và người khác hiểu rõ vấn đề hơn. Bên cạnh đó, việc báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền là giải pháp cần thiết để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, phản bác hoặc các hình thức xử lý khác phù hợp.

Thứ tám, luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin… trên mạng internet và mạng xã hội; không đưa những thông tin, hình ảnh, tư liệu nội bộ cơ quan, đơn vị; không đưa thông tin một cách lập lờ để dẫn dắt dư luận nhằm mục đích công kích cá nhân hoặc tổ chức với dụng ý không tốt. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên nên luôn ý thức rằng mỗi thông tin, mỗi status mình đưa lên “có ích gì cho ai không”, chứ không phải như người khác quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi “có hại gì cho ai không”. Do đó, chuẩn mực dành cho cán bộ, đảng viên có phần khắt khe hơn nhưng thực sự là cần thiết, bởi trong nhiều trường hợp, những gì được đưa lên mạng internet và mạng xã hội không còn là vấn đề cá nhân mà trở thành hình ảnh, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, của đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ trong hệ thống, của Đảng, chế độ…

Thứ chín, đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, bên cạnh việc thực hiện các yêu cầu chung về việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội, còn quan tâm việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội của cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi mình phụ trách để kịp thời góp ý, nhắc nhở, chấn chỉnh các biểu hiện chưa lành mạnh; đồng thời tích cực lắng nghe các ý kiến phản hồi về bản thân, về cơ quan, đơn vị, về cán bộ, nhân viên ở cơ quan của mình… để có biện pháp ứng xử phù hợp. Các cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội, đồng thời phải có biện pháp nắm bắt, giám sát, quản lý việc sử dụng không gian mạng của cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, trong tổ chức đảng của mình. Đây không phải là việc nên làm mà là việc phải làm, là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cán bộ lãnh đạo, không chỉ để kịp thời giải quyết các vấn đề của nội bộ cơ quan, đơn vị mà còn tránh để lây lan, gây tác động xấu để hình ảnh của đội ngũ, của hệ thống…

MỘT SỐ ĐIỀU NÊN TRÁNH:

Thứ nhất, lưu ý những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đây là nhóm hành vi rất rộng có liên quan đến việc đăng tải, tán phát thông tin về chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông tin xúc phạm đến lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Thoạt nghe, nhiều cán bộ, đảng viên sẽ bảo rằng mình không bao giờ vi phạm những điều đó nhưng trên thực tế có nhiều thông tin sai trái ẩn khuất trong các thông tin có vẻ đúng, nếu người tiếp nhận không cẩn thận sẽ mắc bẫy. Điều dễ thấy là hiện nay trên YouTube và nhiều trang mạng khác đăng tải thông tin phản ánh các sự kiện, sự việc, nhân vật có thật nhưng trong đó có trộn lẫn những bình luận sai trái, những chi tiết bịa đặt…, nếu người xem không phân định kỹ mà chia sẻ, tán phát thì vô tình đã tiếp tay cho kẻ xấu tán phát thông tin vi phạm pháp luật.

Thứ hai, lưu ý những hành vi vi phạm quyền nhân thân, uy tín của cá nhân và tổ chức. Đây là việc người đăng thông tin, hình ảnh của người khác, của tổ chức mà không có sự đồng ý của họ một cách vô tình hay cố ý. Theo pháp luật về dân sự, quyền nhân thân gồm quyền có họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín; quyền đối với bí mật đời tư, kết hôn, ly hôn; quyền có quốc tịch; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyền tự do sáng tạo, quyền của tác giả đối với tác phẩm; quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp… Các quyền này được pháp luật bảo vệ. Thí dụ: chị A. là đồng nghiệp cùng cơ quan và biết chị B. đã ly hôn khi chị B. báo cáo với chi bộ, nên đã đăng thông tin tỏ ý chia sẻ, thông cảm với bạn mình về việc này trên Facebook và gắn thẻ (tag) chị B. vào trong khi chị B. không muốn mọi người biết việc mình đã ly hôn do lo ngại ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của con cái; trong trường hợp này chị A. đã vi phạm pháp luật dù vô ý và không có động cơ xấu. Tương tự, đăng hình ảnh, nhà cửa, xe cộ… của người khác hoặc các thông tin cá nhân, thông tin của tổ chức, doanh nghiệp… mà không có sự đồng ý của họ cũng là vi phạm pháp luật.

Thứ ba, lưu ý những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản, đánh bạc... Sở hữu trí tuệ (có khi được xem là tài sản trí tuệ) là những sản phẩm sáng tạo của con người, như tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp... Sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ nên người sử dụng không gian mạng dù vô ý hay cố ý vi phạm cũng là vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, sau khi được anh C. cho mượn bản thảo một kịch bản phim, anh D. đã đăng công khai trên trang blog cá nhân của mình định nhằm quảng bá cho bạn mà không được anh C. đồng ý, khiến nội dung kịch bản bị người khác khai thác; hành vi của anh D. là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nếu người dùng không gian mạng tùy tiện chia sẻ thông tin về tài khoản ngân hàng, về tài sản cá nhân của người khác, các trang web có chứa nội dung quảng cáo cờ bạc hoặc tổ chức đánh bạc trực tuyến trái pháp luật… dù với dụng ý nào cũng có thể vi phạm pháp luật.

Nếu không có kiến thức và kỹ năng cần thiết về việc sử dụng mạng xã hội, người dùng có thể sa vào nhiều cạm bẫy trên mạng xã hội. 

Thứ tư, lưu ý những hành vi vi phạm đến việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Sử dụng không gian mạng hiện nay có khá nhiều rủi ro, như bị tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin; bị gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; bị cài và phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; bị xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử… Bản thân người dùng nếu thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết có thể vô tình tiếp tay cho các hành vi kể trên. Chẳng hạn, một người nhận được e-mail thông báo rằng đã trúng một giải thưởng lớn, đề nghị nhấp vào một đường dẫn (link) để làm thủ tục nhận giải; hành động đó có thể vô tình làm lây lan virus không chỉ máy tính của cá nhân mà còn các máy tính khác trong cơ quan, đơn vị nếu có kết nối nội bộ. Hoặc khi xem trên Facebook, thấy có link clip khiêu dâm hay thông tin gây tò mò mà nhấp vào thì có thể bị virus tấn công…

Thứ năm, lưu ý việc tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không phù hợp quy định của pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục, lối sống văn minh, tiến bộ… Với những trường hợp thể hiện rõ tính vi phạm pháp luật thì có thể tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên sẽ dễ dàng nhận ra, nhưng có những hình thức khác có khi lại bị lồng ghép các nội dung, hành vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, một trang web giới thiệu các loại dao, kiếm hoặc các vật có tính trang trí nhưng thực chất là các vũ khí bị nghiêm cấm quảng cáo, tàng trữ; nếu người nào đó vô ý giới thiệu trang này cho nhiều người khác tức là tiếp tay cho hành vi sai trái. Hoặc có những hoạt động không rõ tính vi phạm pháp luật nhưng lại thể hiện rõ không văn minh, không tiến bộ như quảng cáo và buôn bán lưới bắt chim, thuốc đánh bắt cá mang tính tận diệt, thuốc kích dục, các trang web về hình thức là hẹn hò nhưng thực chất là hoạt động mại dâm… Điều cần lưu ý là trong nhiều trường hợp, chỉ cần người dùng xem, tương tác (like, bình luận…) thì trang đó cũng đã xuất hiện trên danh sách cập nhật thông tin (news feed) của bạn bè (friendlist) rồi.

Thứ sáu, lưu ý các nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm hoặc phân biệt đối xử về tôn giáo, về giới, về chủng tộc, về vùng miền… Các loại thông tin có thể do những phần tử xấu sản xuất, phát tán hoặc do những người thiếu nhạy cảm chính trị, mơ hồ về âm mưu thủ đoạn của kẻ xấu tán phát. Người xem là cán bộ, đảng viên phải hết sức thận trọng khi chia sẻ các loại thông tin này, chẳng hạn những thông tin ca ngợi một số chính sách của các chế độ cũ (thực chất các chính sách này nhằm phục vụ quyền cai trị của thực dân, đế quốc và chính quyền tay sai), những thông tin phiến diện, chưa được kiểm chứng về các trường hợp liên quan đến tôn giáo, dân tộc…, các thông tin mang tính cá biệt có thể bị suy diễn về sự kỳ thị vùng miền… Do vỏ bọc của các thông tin này là gắn với những chi tiết, sự kiện, cá nhân có thật nên người xem có thể dễ dàng tin theo mà không nhận ra các ẩn ý bên trong hoặc không nhận thức được khả năng bị xuyên tạc, bóp méo… Hiện nay có hiện tượng nói về những “sự thật lịch sử” thực chất là lật lại lịch sử, như cho rằng những nhân vật hay những sự kiện vốn đã được nêu trong chính sử là không có thật… Do đó, cán bộ, đảng viên sử dụng mạng internet và mạng xã hội phải hết sức cảnh giác.

Sử dụng mạng internet và mạng xã hội đòi hỏi phải có những kiến thức nhất định về pháp luật nói chung và pháp luật về không gian mạng nói riêng. Là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang… phải được trang bị hoặc tự trang bị những kiến thức cần thiết, không được xem việc sử dụng không gian mạng chỉ là một hoạt động giản đơn, vô hại. Những gợi ý trên đây nên được làm rõ hơn, cụ thể hơn trong các bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, đảng viên sử dụng không gian mạng ở từng cơ quan, đơn vị nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm, văn minh, tiến bộ, có ý nghĩa thiết thực.

NGUỒN : https://www.hcmcpv.org.vn/